Chuyển đến nội dung chính

Thế nào được gọi là nuôi dạy con cái một cách tích cực?

  

Thế nào được gọi là nuôi dạy con cái một cách tích cực?

Khi một đứa trẻ được mang đến Thế Giới này bởi phép màu của việc sinh đẻ, đó là sự khởi đầu!


Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi 180 độ và sẽ không bao giờ trở lại giống như ngày trước nữa. Bạn được giao trách nhiệm to lớn trong việc nuôi dạy một con người.

Nhưng hầu hết chúng ta đều không biết rằng việc được giáo dục về “cách làm thế nào để nuôi dạy con cái” là điều tối quan trọng. Bởi vì cách bạn làm cha mẹ cuối cùng sẽ ảnh hưởng con bạn sẽ ra sao. Có thể là vô tình hoặc cố ý, chúng ta nuôi dạy con cái theo cách chúng ta được nuôi dưỡng và điều đó có thể là đúng hoặc sai.

Trong những năm đầu đời, trẻ con tập trung quanh cha mẹ của chúng. Do đó cha mẹ có tác động trực tiếp đến sự phát triển của chúng: về mặt xã hội và nhận thức. Nó cũng xác định mối quan hệ bạn sẽ có với chúng sau này trong cuộc sống.

Khi nói đến việc nuôi dạy con cái, mọi người đều có phong cách riêng. Phong cách nuôi dạy con có thể được chia thành bốn loại dựa trên các kỹ thuật kỷ luật được sử dụng.


CÁC PHONG CÁCH NUÔI DẠY CON

Trước đây, Diana Baumrind, một nhà nghiên cứu tập trung vào việc phân loại các kiểu nuôi dạy con cái, đã xác định ba kiểu nuôi dạy con: nuôi dạy con cái một cách có thẩm quyền (authoritative parenting), nuôi dạy con cái một cách độc đoán (authoritarian) và nuôi dạy con cái một cách dễ dãi (permissive parenting). Sau này Eleanor Maccoby và John Martin đã dựa trên quan điểm của Baumrind mà chia các kiểu nuôi dạy con thành bốn loại:

– Nuôi dạy con cái một cách có thẩm quyền (authoritative parenting)

– Nuôi dạy con cái một cách độc đoán (authoritarian)

– Nuôi dạy con cái một cách dễ dãi (permissive parenting)

– Nuôi dạy con cái một cách không đúng mực (neglectful parenting)


Và trong bốn cách trên, nuôi dạy con cái một cách có thẩm quyền được khuyên dùng nhất nếu bạn muốn nuôi dạy con một cách lành mạnh. Có nhiều “dạng biến thể” cho kiểu nuôi con cái này, ví dụ như nuôi con một cách hoà bình, nuôi con một cách tích cực, nuôi con một cách nhẹ nhàng,….. Chúng có thể khác nhau một chút trong một số kĩ thuật được sử dụng để kỉ luật con cái, song tất cả đều tập trung vào việc thiết lập giới hạn lành mạnh cho trẻ bằng việc tôn trọng nhu cầu của chúng.


VẬY THÌ THẾ NÀO ĐƯỢC GỌI LÀ NUÔI DẠY CON MỘT CÁCH TÍCH CỰC?

Trong cuốn sách “The Newbie’s Guide to Positive Parenting” (Hướng dẫn nuôi dạy con một cách tích cực cho người mới bắt đầu) có định nghĩa sau:

“ Nuôi dạy con cái một cách tích cực là những hướng dẫn được đưa ra một cách tích cực, ghi nhận giá trị, nhân phẩm của cả cha mẹ và con cái để từ đó gìn giữ mối quan hệ này”

Cách nuôi dạy này khác so với kiểu nuôi dạy con cái mà không đưa ra những kỉ luật và giới hạn phù hợp cho trẻ (hay còn gọi là nuôi con một cách dễ dãi).

Sau đây là những yếu tố chính của phương pháp nuôi dạy con tích cực:

- Kết nối

- Tôn trọng

- Đồng cảm

- Kỉ luật tích cực

Chúng ta sẽ đi cụ thể vào từng yếu tố:



KẾT NỐI


Là cha mẹ, bạn chắc chắn trải qua rất nhiều thời gian khó khăn. Những lần con không ngủ vì ốm, hoặc khi chúng không nghe bạn nói “đã đến giờ đi ngủ” thậm chí ngay cả khi bạn nói cả trăm lần rồi, hoặc những lần con bạn không ngừng đánh nhau và phàn nàn, bạn cảm thấy như đầu sắp nổ tung. Bạn thầm ước được biến mất khỏi nhà trong phút chốc và xuất hiện trở lại ở dãy Himalayas, hít thở sâu và phiêu diêu cùng mây trời, cảnh vật.

Quả thật, làm cha mẹ không hề dễ. Không có nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng điều làm cho nó vẫn còn giá trị là “phần thưởng cảm xúc” mà bạn nhận được.

Cho dù bạn cảm thấy tức giận hay tuyệt vọng đến thế nào, bạn vẫn là trung tâm trong thế giới của trẻ khi chúng còn nhỏ. Và chúng YÊU bạn vô điều kiện cho dù bạn nghĩ bạn làm cha mẹ chưa tốt đến mức nào (tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc như vậy).

Nhưng để giữ cho mối quan hệ của bạn với con mạnh mẽ ngay cả khi chúng phát triển đủ để dang rộng đôi cánh và bay, bạn cần thực hành kỹ thuật “kết nối” trong phương pháp nuôi dạy con tích cực này.

Làm thế nào để kết nối với con?

Kết nối đơn giản có nghĩa là dành thời gian chất lượng với con để làm những việc mà chúng thích. Nó củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái và giúp đứa trẻ cảm thấy được yêu thương và nuôi dưỡng. Thiếu kết nối đôi khi là lý do đằng sau các hành vi “tìm kiếm sự chú ý” như con đeo bám bạn hoặc con có những hành vi “hơi lố” để thể hiện nhu cầu khao khát được chú ý.

Bạn có thể nghĩ: như một người lớn, cuộc sống của chúng ta rất bận rộn và chúng ta cần hoàn thành rất nhiều việc trong một danh sách những việc cần làm hằng ngày, vì thế mà chúng ta không có thời gian để ngồi và thư giãn với con. Tôi hiểu điều đó mà.

Nhưng “kết nối nuôi dưỡng” không phải là một nhiệm vụ khó khăn. Bạn có thể làm điều đó trong thời gian trống mà bạn có được dù là lúc này hay lúc khác. Nếu con bạn lớn hơn, hãy để chúng được tham gia vào các hoạt động của bạn. Điều đó làm cho chúng cảm thấy quan trọng và được kết nối.

Một số hoạt động xây dựng kết nối là đọc, chơi, nấu ăn, chăm chú lắng nghe (chúng lan man ^^) hoặc làm bất cứ điều gì chúng muốn bạn làm với chúng. Điều này giúp làm đầy “cốc cảm xúc” của chúng và chúng cảm thấy an toàn.


TRÁCH NHIỆM


Nuôi dạy con một cách tích cực được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đối xử với con như những cá thể riêng biệt và hiểu rằng chúng xứng đáng được tôn trọng như bất kỳ một người trưởng thành nào.

Chúng ta sẽ không nói: “ Con phải nghe bởi vì mẹ là mẹ của con” hoặc “bởi vì mẹ đã nói vậy” giống như cách nuôi dạy con độc đoán làm

Chúng ta cần thừa nhận thực tế rằng trẻ em là con người giống như chúng ta vậy và chúng có quyền cảm thấy tức giận, buồn bã, lo lắng cũng như mọi cảm giác khác làm cho chúng trở thành con người.

Chúng ta cũng không coi thường những đòi hỏi to tát của chúng và phạt chúng vì những điều như thế, thay vào đó chúng ta sẽ cố gắng hiểu tại sao chúng có những nhu cầu đó ngay từ đầu.

Công việc của chúng ta, những người làm cha mẹ, là tôn trọng những cảm xúc đó và đáp lại chúng một cách đồng cảm.


ĐỒNG CẢM

Theo Wikipedia, sự đồng cảm được định nghĩa như sau: “đồng cảm là khả năng hiểu hoặc cảm nhận những gì người khác đang trải qua trong hoàn cảnh của họ, nghĩa là khả năng đặt bản thân vào một vị trí khác”

Trẻ em có nhu cầu bẩm sinh là được lắng nghe và thấu hiểu. Không chỉ trẻ em đâu mà người lớn chúng ta cũng cần những nhu cầu đó.

Trong cách nuôi dạy con cái độc đoán, trẻ em không được phép bày tỏ cảm xúc. Bởi bố mẹ sợ rằng khi con thể hiện sự tức giận và được thừa nhận, cảm xúc của chúng sẽ tăng lên theo cường độ mạnh hơn. Uhm, tôi không phủ nhận, điều này đôi khi đúng.

Khi tôi thấy con tôi có vẻ buồn bã, đồng cảm với con, tôi nói: “ Con đang buồn chuyện gì phải không?”. Thằng bé khóc dữ dội hơn với âm lượng to hơn. Sự thừa nhận của tôi lúc này không phải là khuếch đại cảm xúc của con lên, mà khi con cảm thấy được thấu hiểu thì con sẽ thấy an toàn để rồi bộc bạch những cảm xúc bên trong của con ra.

Vậy nếu như tôi không nói gì, tôi bỏ qua cảm xúc của con thì sao? Con có thể không khóc nhiều hơn, nhưng những cảm xúc đó vẫn nằm bên trong chiếc chai được đóng kín, làm suy yếu sự kết nối giữa chúng tôi và sẽ bùng phát dữ dội hơn vào một ngày nào .

Vì vậy, khi con phàn nàn và đến với bạn với những vấn đề nhỏ nhặt của chúng, điều chúng cần là sự an toàn của một người trưởng thành, người thật sự hiểu cảm xúc của chúng và đồng cảm với chúng. Khi chúng cảm thấy chúng luôn được lắng nghe, chúng sẽ phát triển mạnh mẽ về mặt cảm xúc bằng cách phát triển EQ tốt.

Đồng cảm trong cách nuôi dạy con tích cực có nghĩa là lắng nghe cảm xúc của con cái và cố gắng nhìn nhận “bức tranh” ở quy mô lớn hơn. Chúng có thể đã có một ngày khó khăn, chúng có thể phải đối mặt với sự thất vọng liên tục từ anh chị em hoặc một thành viên gia đình. Nhưng trẻ em không biết đặt tên và thể hiện cảm giác như vậy. Với tư cách là một người cha/người mẹ, bạn có thể suy nghĩ được “tại sao” lại có những cơn giận dữ đó và cố gắng đồng cảm với con .


KỈ LUẬT TÍCH CỰC

Nuôi dạy con cái một cách độc đoán tập trung vào hình phạt là công cụ để kỷ luật trẻ em.

Trẻ em cần phải có kỷ luật và cần có giới hạn, đúng vậy. Nhưng trong cách nuôi dạy con tích cực, chúng ta không sử dụng hình phạt, thay vào đó, chúng ta sử dụng kỷ luật tích cực.

Các nghiên cứu cho thấy rằng hình phạt không có tác dụng. Trên thực tế, đánh đòn và các loại hình phạt khác có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của trẻ sau này trong cuộc sống của chúng.

Và hình phạt cũng không “dạy” cho trẻ một bài học, nó chỉ gây ra nỗi sợ hãi trong tâm trí của chúng về “nguồn hình phạt”, “nguồn” đó là bạn, hoặc cha mẹ khác hoặc bất kỳ người chăm sóc nào khác. Kết quả là, chúng bắt đầu tránh “nguồn” và cố gắng làm điều tương tự đằng sau mà “nguồn” không biết.

Và đây là lý do tại sao mọi người cần học các kỹ thuật nuôi dạy con tích cực hoặc cố gắng tham dự các hội thảo và lớp học nuôi dạy con cái bởi vì hầu hết mọi người vô tình lặp lại chu kỳ thực hiện nuôi dạy con theo cách chưa tích cực mà họ đã được nuôi dưỡng.

Cuối cùng, là cha mẹ, điều bạn muốn cho con cái là nuôi dạy chúng thành những con người tốt, có khả năng đối mặt với thế giới và có mối quan hệ tốt với bạn cho dù chúng ở đâu trên thế giới.

Các hình phạt cũng gây ra hành vi hung hăng ở trẻ em bởi vì đó là những gì chúng thấy và trải nghiệm. Nếu bạn dùng đến việc đánh đòn khi bạn tức giận, những gì trẻ học được là sử dụng bạo lực. Chúng học cách sử dụng bạo lực như một công cụ để có được những gì chúng muốn bởi vì đó là những gì cha mẹ chúng làm.

Chúng ta dùng đến các hình phạt để kỷ luật trẻ nhỏ vì nó cho kết quả nhanh hơn. Chúng ta có thể làm chúng “ngoan ngoãn lại” bằng cách la hét, đe dọa hoặc đánh đòn nhanh hơn là khi chúng ta cố gắng đồng cảm với chúng và tìm ra giải pháp bằng cách sử dụng các kỷ luật tích cực. Đúng vậy, các kỉ luật tích cực hay nuôi dạy con một cách tích cực khác với nuôi dạy con một cách truyền thống, yêu cầu rất nhiều bước và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nhưng lí do rất nhiều cha mẹ vẫn thích lựa chọn nuôi con theo phương pháp này là “phần thưởng” đang chờ ở phía sau, to lớn và có giá trị lâu dài hơn nhiều!

Kỷ luật tích cực tập trung vào việc dạy các hành vi tốt và đối mặt với những sai lầm bằng sự kỷ luật nhẹ nhàng và khoan dung. Không giống như những đứa trẻ bị trừng phạt vì lỗi lầm của chúng, những đứa trẻ được nuôi dạy bằng cách nuôi dạy con tích cực cảm thấy gắn kết hơn với cha mẹ. Và như một hệ quả, chúng cư xử tốt hơn, vì chúng không muốn làm phiền lòng cha mẹ mình.

Nội dung của kỷ luật tích cực bao gồm:

– Giao tiếp hiệu quả dẫn đến việc xác định nguyên nhân của hành vi và giải quyết chúng, thay vì cố gắng thay đổi hành vi một cách mù quáng

– Đặt quy tắc và quy định rõ ràng và giữ lời nếu những điều đó không được tuân theo

– Trở nên tử tế nhưng thiết lập sự kiên quyết trong phản ứng của bạn đối với hành vi sai trái

– Thay vì dùng hình phạt, hãy cố gắng giao tiếp với trẻ và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho tất cả mọi người. 

– Nhìn thấy bạn đang “cùng một đội” với con chứ không phải là kẻ thù, điều này chuyển sự tập trung của bạn từ hình phạt sang hướng dẫn và giảng dạy.

Chuyển sang câu hỏi tiếp theo nhé,

BẮT ĐẦU NUÔI DẠY CON CÁI MỘT CÁCH TÍCH CỰC NHƯ THẾ NÀO?

Sự thay đổi bắt đầu từ phía bạn

Bất kể của bạn ở độ tuổi nào, bạn có thể bắt đầu áp dụng các chiến lược nuôi dạy con tích cực với chúng. Hãy quyết tâm để trở thành một phụ huynh bình tĩnh từ hôm nay trở đi, để bạn có thể nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc và bình tĩnh.

 Não bộ của chúng ta đã được kết nối với những trải nghiệm được nuôi dạy bởi những bậc cha mẹ, những người hầu như đã không theo phương pháp nuôi dạy con cái một cách tích cực. Nhưng đừng lo lắng, bây giờ bạn đã có ý tưởng về những gì là đúng đắn và những gì là sai lầm khi nói về kỹ thuật làm cha mẹ.

Thay đổi cách của bạn có thể không dễ dàng. Nhưng may mắn thay, có những nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống dây dẫn của bộ não là thứ chúng ta có thể ghi đè bằng nhiều sự thực hành.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC HIỆN NUÔI DẠY CON MỘT CÁCH TÍCH CỰC?

Để trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn, chúng ta cần tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của con mình hơn là lúc nào cũng “sửa” chúng.

Trẻ em không cần được “sửa chữa”, chúng ta cần sửa những kỳ vọng của chúng ta dành cho chúng.

Điều chúng cần là sự hướng dẫn nhẹ nhàng.

Bước đầu tiên để hiểu nhu cầu của con là hiểu cách bộ não của chúng hoạt động.

Hiểu sự phát triển trí não trẻ

Chúng ta thường bỏ qua những lần bực bội, nóng giận của trẻ và coi đó giống như là một sự ương bướng. Trong khi đó, thực tế trẻ chỉ hoạt động theo khả năng của bộ não để thể hiện cảm xúc.

Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết bộ não của con người mất khoảng 25 năm để phát triển, mặc dù nó có thể khác nhau giữa các cá nhân.

Bộ não của người lớn và trẻ em (bao gồm thanh thiếu niên) hoạt động khác nhau. Người lớn suy nghĩ với vỏ não trước trán, đó là phần lý trí của não bộ. Vỏ não trước trán có trách nhiệm ra quyết định, lập kế hoạch và khả năng suy xét. Nó không phát triển đầy đủ cho đến khi bạn đến tuổi “mid-20s” (nghĩa là giai đoạn năm cuối của trường đại học và năm đầu tiên đi làm)


"Cortex prefrontal" chính là vùng vỏ não trước trán


Điều này giải thích tại sao trẻ em khi mới biết đi bộc phát nhiều hơn khi chúng có cảm xúc mãnh liệt. Bộ não của chúng chỉ đơn giản là chưa có khả năng suy nghĩ bằng logic và lý trí, bất kể bạn có nói điều tương tự với chúng bao nhiêu lần đi chăng nữa.

Chúng chưa có khả năng thể hiện cảm xúc bằng lời nói. Vì vậy, bộ não của chúng ứng phó với những cảm xúc mãnh liệt bằng cách thể hiện ra những cơn giận dữ.

Là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là hiểu điều này và đưa cho trẻ sự hỗ trợ về mặt cảm xúc mà chúng cần khi chúng có những cảm xúc mãnh liệt này.

Thay đổi bản thân và suy nghĩ của bạn

Bạn không cần phải thay đổi con người bạn khi bạn trở thành cha mẹ. Nhưng nếu bạn muốn thực hiện các kĩ thuật nuôi dạy con tích cực, bạn cần có khả năng “làm gương” với những hành vi mà bạn muốn thấy ở con trẻ.

Là những ngưởi lớn, chúng ta cũng có những ngày cảm xúc mãnh liệt và chán nản. Chúng ta đôi khi cũng phải gắng sức, vật lộn để hoàn thành trách nhiệm của mình.

Tôi luôn cảm thấy việc trở thành cha mẹ có thể khiến chúng ta trở thành người tốt hơn. Bởi vì nếu bạn muốn trở thành một phụ huynh tốt, bạn cố gắng cư xử tốt nhất có thể. Đôi mắt nhỏ bé kia luôn dõi theo bạn và điều đó thôi thúc bạn dẫn dắt chúng đi một cách cẩn thận hơn.

Bạn không thể dạy con khả năng tự kỷ luật và tự kiểm soát bản thân nếu bạn không thể điều khiển cơn giận giữ của mình và ném đồ vào người khác khi bạn tức giận. Học cách kỷ luật bản thân để bạn có thể chỉ cho con bạn cách cư xử.

Tìm hiểu xem điều gì đã khiến bạn bị kích động và tìm cách giải quyết chúng bằng cách tạo ra các chiến lược tốt hơn để xử lý cảm xúc của bạn. Con bạn sẽ học hỏi từ bạn.

Hãy nhớ rằng không ai là hoàn hảo, cả bạn và co. Tất cả chúng ta đều trong hành trình học cách làm cha mẹ, từng ngày một.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Gửi cậu — chàng trai của năm 17 tuổi

Cậu của ngày ấy, Cậu của những năm 17 tuổi, Là khi chúng ta học lớp 11, cùng với nhau. Cảm ơn cậu đã nói thích tớ, đã luôn dành sự quan tâm cho tớ. Ở thời điểm đó, trong những ngày tháng ấy, mặc dù thích cậu, nhưng tớ cứ im lặng, nợ cậu một câu trả lời. Và cứ như vậy, chúng ta ở trong một mối quan hệ “không tên”, rất ngọt ngào và trong sáng, cho đến một ngày, tớ để cậu đi xa tớ mãi mãi… Khi mới bỡ ngỡ từ một cô bé Trung Học Cơ Sở lên thành một nữ sinh của trường cấp 3, tớ đã rất hào hứng vì các bạn học đến từ nhiều xã khác nhau của cái huyện nho nhỏ chỗ mình. Và cũng từ đó tớ mới biết huyện mình có nhiều xã đến như vậy. Trong mắt tớ lúc ấy, cậu cũng không có gì khác biệt so với các bạn khác. Hoặc là tớ đã không để ý gì đến cậu. Học cùng với nhau được chừng một học kì, chúng ta có 1 hoặc 2 tuần học Quân Sự, và tớ bắt đầu để ý tới một cậu bạn nam vì cậu ấy hay trêu trọc tớ. Tớ nhớ là cậu ấy hay trọc về mấy chuyện liên quan đến mối quan hệ của tớ và bạn nam của lớp bên cạnh. Và người hay

Muối dưa chua và Hoá học?

Muối chua là một phương pháp được sử dụng để ngăn thực phẩm như thịt, trứng và rau quả bị hư quá sớm. Thực phẩm đã được muối chua có thể ăn được trong một thời gian dài! Muối chua có 2 loại: Loại 1: Muối chua có tác động của Hoá học (chemical pickling) Loại 2: Lên men tự nhiên (fermentation pickling) Ở loại 1, muối chua có tác động của Hoá học, ví dụ thường gặp nhất không đâu xa lạ chính là muối dưa, muối cà ở Việt Nam . Trong quá trình muối chua này, thực phẩm (ở đây là lá dưa và quả cà) được đặt trong một chất lỏng có thể ăn được để ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn và các vi sinh vật khác. Chất lỏng được nhắc đến ở đây điển hình bao gồm nước muối, giấm, rượu, một số nơi cho thêm ít dầu thực vật nữa. muối dưa chua Ở loại 2, muối chua lên men tự nhiên, thực phẩm tự sản sinh ra chất bảo quản, điển hình là quá trình tạo ra axit lactic. Ví dụ như muối rau củ của Nhật (nukazuke) - lên men rau củ trong cám gạo, hoặc muối kim chi của Hàn - lên men rau củ trong hỗn hợp muối và ớt bột.  Nukazuk

Những danh từ có dạng số ít và số nhiều giống nhau

Khi viết essay, các bạn chú ý tránh không mắc phải lỗi khi viết dạng số nhiều của những danh từ này nhé (nghĩa là không thêm “s”, “es”.. vào sau) vì chúng GIỐNG VỚI DẠNG SỐ ÍT Cách học những từ này là viết essay nhiều và ghi nhớ thôi. Ở đây mình chỉ đưa những từ chúng ta rất hay gặp phải thôi nhé. Accommodation Advice Aircraft Binoculars Cannon Cattle Chalk Chassis Clippers Clothing Deer Dice Education Eyeglasses Fish (numbers of) Flares (clothing) Flour Food Fruit Furniture Goldfish Grapefruit Greenfly Head (cattle) Headquarters Help Homework Information Jackfruit Jeans Knowledge Lego Luggage News Offspring Oxygen Police Reindeer Salmon Scissors Series Sheep Shellfish Shrimp Species Squid Starfruit Sugar Tuna You Wheat Wood Các bạn hay gặp những từ nào thì có thể chia sẻ với Loan và bạn đọc khác ở phần Bình Luận (comments) phía dưới nhé!